Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

     Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ,

Kính thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ,

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa toàn thể các đồng chí,

Theo truyền thống Ngành, hôm nay Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Đây là dịp để ngành Ngoại giao kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng trong các năm tới.

Hội nghị rất vinh dự và nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thứ Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự và chỉ đạo hội nghị. Sự có mặt của đồng chí Tổng Bí thư là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn thể cán bộ, nhân viên của ngành Ngoại giao, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Đảng đối với công tác đối ngoại. Chúng ta nhiệt liệt chào đón các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các vị khách quý đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương và hơn 700 đại biểu là Trưởng Cơ quan đại diện tại nước ngoài, cán bộ ngoại giao, cán bộ ngoại vụ địa phương, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí và một số tập đoàn kinh tế lớn tới dự hội nghị. Chúng ta vui mừng chào đón các đồng chí nguyên Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao các thời kỳ, các cán bộ lão thành trong ngành Ngoại giao Việt Nam. Các đồng chí luôn tiếp tục theo dõi, đồng hành và truyền nhiệt huyết tới các thế hệ cán bộ kế cận ngành ngoại giao.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng.

Ở trong nước, đất nước ta đã bước vào thời kỳ then chốt của việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.  

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng tài chính, nợ công trên thế giới, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực, tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta, song đất nước đã được kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối phó với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố tiếp tục gia tăng. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ nét. Các nước lớn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh kiềm chế lẫn nhau, mà trọng điểm là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là thiên tai, an ninh mạng, ngày càng quyết liệt hơn. Các thách thức chính trị - an ninh đa chiều đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta.

Những kết quả ngành Ngoại giao đã đạt được kể từ Hội nghị Ngoại giao 27

Trong hai năm qua, kể từ Hội nghị Ngoại giao 27 đến nay, chúng ta đã tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI và đạt được một số kết quả quan trọng.

Ngoại giao chính trị đã được triển khai tích cực, đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định và lần đầu tiên xác lập khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng. Trong năm 2013 chúng ta đã thiết lập thêm 5 quan hệ Đối tác chiến lược và 2 quan hệ Đối tác toàn diện, đến nay Việt Nam đã thiết lập được 13 quan hệ Đối tác chiến lược và 11 quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; những đối tác quan trọng trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc; những nước nòng cốt trong ASEAN như In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po, Thái Lan; quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực châu Phi, Mỹ La-tinh tiếp tục được củng cố và mở rộng.

Trong tiến trình tham gia sâu vào hội nhập quốc tế, chúng ta kiên trì nguyên tắc “lợi ích dân tộc là cao nhất”, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Ngoại giao đã đóng góp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước.

Ngoại giao kinh tế đã hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; đã chủ động nghiên cứu, dự báo các xu hướng phát triển lớn và kinh nghiệm của các nước để góp phần tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta cũng đẩy mạnh công tác vận động chính trị - ngoại giao, tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do then chốt và công nhận quy chế kinh tế thị trường, tranh thủ ODA, thu hút FDI. Trong hai năm qua, chúng ta đã vận động thêm được 14 nước, nâng tổng số nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam lên 43 nước, trong đó có 8 nước G20. Hiện nay, ta đang đàm phán 6 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các đối tác quan trọng trong các khuôn khổ đa phương và song phương, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... Bên cạnh hợp tác, chúng ta cũng kịp thời đấu tranh với các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại, góp phần bảo vệ nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta trong các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu...

Ngoại giao đa phương triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, đã chuyển từ tham gia sang giai đoạn chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến và đóng góp thực chất với trách nhiệm cao trong các vấn đề an ninh, phát triển chung của khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế đất nước ở khu vực và trên thế giới.

Ở tầm khu vực, chúng ta đã phát huy tư thế của một thành viên có trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy thực hiện DOC và tham vấn giữa ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trên bình diện quốc tế, việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban liên Chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới của Tổ chức UNESCO, đã nâng cao thêm uy tín và vị thế của nước ta trên thế giới. Trong tầm nhìn dài hạn, chúng ta đã từng bước xây dựng kế hoạch tổng thể cho việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, ứng cử vào ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Ngoại giao văn hóa đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới, vận động UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới.

Công tác biên giới lãnh thổ được triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã quan tâm hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con kiều bào ta gặp khó khăn ở nước ngoài, động viên khuyến khích đồng bào gìn giữ phong tục, nuôi dưỡng bản sắc dân tộc, hướng về quê hương, đất nước. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị tiếp tục được thể chế hóa bằng các biện pháp, chính sách cụ thể tạo thuận lợi hơn nữa cho đồng bào, kiều bào ta ở nước ngoài về nước làm ăn, thăm thân và sinh sống, góp phần xây dựng Tổ quốc.

Công tác bảo hộ công dân ngày càng được coi trọng khi nước ta mở cửa và hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới. Chúng ta đã kịp thời bảo hộ cho đồng bào ta khi gặp những rủi ro, nguy hiểm ở những điểm nóng, những vùng có thảm họa thiên tai. Chúng ta cũng chủ động kết hợp cả hợp tác và đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của công dân, ngư dân và người lao động ta ở nước ngoài.

Công tác thông tin đối ngoại có nhiều cải tiến, góp phần tạo đồng thuận xã hội về những vấn đề phức tạp; chuyển đi những thông điệp chính xác để cộng đồng quốc tế hiểu đúng và ủng hộ các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta, kiên quyết đấu tranh đối với những hành động vi phạm chủ quyền biển đảo và những luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo.

Những thành tựu trên không thể không có sự đóng góp rất quan trọng của công tác xây dựng ngành. Từ sau Hội nghị Ngoại giao 27 đến nay, Bộ Ngoại giao đã tập trung cho công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ như yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Ngoại giao 27 về việc đào tạo lực lượng cán bộ có “đủ bản lĩnh, năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ mới, trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Bộ Ngoại giao đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, biện pháp đào tạo và đào tạo lại cán bộ theo hướng thực sự chuyên nghiệp, có trình độ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng ngày càng tốt nhiệm vụ đối ngoại trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Những kết quả về đối ngoại và hội nhập quốc tế có được trước hết là có đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại, giữa Ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao với quốc phòng - an ninh, với các bộ, ban, ngành ở trung ương, và với các tỉnh thành trong cả nước; tạo thành một mặt trận thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Thưa các đồng chí

Những thành tựu đạt được là rất quan trọng, song chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi ngành Ngoại giao phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa, xứng tầm với vị thế của đất nước.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra cho chúng ta những cơ hội to lớn nhưng thách thức cũng không kém phần gay gắt. Tuy nhiên, chúng ta có thế mạnh cơ bản là tinh thần yêu nước, chính trị - xã hội ổn định, sau gần 30 năm Đổi mới, thế và lực của nước ta đã mạnh hơn. Những thành tựu đối ngoại của những năm qua đã tạo thêm thuận lợi mới; có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử của nước Việt Nam hiện đại, nước ta có điều kiện thuận lợi như hiện nay trong quan hệ với các nước trên thế giới.

Những vấn đề Hội nghị Ngoại giao 28 đi sâu thảo luận

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối của Đại hội Đảng XI, Hội nghị Ngoại giao 28 với chủ đề “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” sẽ tập trung đi sâu thảo luận các vấn đề sau:

Thứ nhất, về tình hình khu vực và thế giới, dự báo sát các xu thế phát triển trong ngắn hạn và tầm nhìn 5-10 năm tới; nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, tham mưu; đánh giá và dự báo sát hơn những điều chỉnh chính sách của các nước láng giềng và các nước lớn, những tác động đối với môi trường an ninh và phát triển của ta.

Thứ hai, về ngoại giao chính trị, trên cơ sở mạng lưới các khuôn khổ đối tác, tới đây chúng ta cần xác định rõ các mục tiêu ưu tiên và biện pháp then chốt để đưa quan hệ của ta với các đối tác tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Thứ ba, về hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương, cần suy nghĩ cách thức và biện pháp để phát huy tốt hơn vị thế hiện nay của ta, cũng như các cơ chế, diễn đàn phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển của đất nước; không chỉ chủ động, tích cực tham gia, mà còn đóng góp, xây dựng các khuôn khổ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế mà ta có lợi ích, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh còn 7 năm nữa để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hai năm nữa để hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ngoại giao kinh tế cần đi sâu vào những lĩnh vực thiết thân với nhu cầu phát triển của đất nước, hỗ trợ đắc lực thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Thứ tư, chúng ta cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, kiến nghị các biện pháp đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực văn hóa, thông tin - tuyên truyền, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân; tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại - quốc phòng - an ninh nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chung là giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển.

Một lĩnh vực không kém phần quan trọng là công tác xây dựng ngành. Hội nghị cần dành thời gian thích đáng kiểm điểm việc thực hiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp; cần có giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ có kỹ năng và kiến thức đa ngành mà còn có năng lực phối hợp và làm việc liên ngành trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước.

Thưa các đồng chí,

Trong phạm vi một tuần làm việc khẩn trương, hiệu quả, thảo luận để đi tới những đánh giá thực chất, toàn diện và các biện pháp then chốt cho những vấn đề nêu trên là một nhiệm vụ không dễ dàng. Với ý thức sâu sắc về nhiệm vụ của ngành trong thời điểm quan trọng này của đất nước, bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của chúng ta, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 sẽ hoàn thành tốt chương trình nghị sự đề ra, đúng với tinh thần chủ đề của Hội nghị là “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.

Tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28. Kính chúc đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể các đại biểu dồi dào sức khỏe và đạt nhiều thành tích hơn nữa trong công tác. /.

Vui lòng mua gói để đọc online !


0 Votes

Trong số này

  1. Chính sách Đối ngoại Việt Nam
  2. Các vấn đề Quốc tế
  3. Nghiên cứu trao đổi
  4. Thông tin - tư liệu

Những bài viết được quan tâm nhất

Giỏ hàng

Giỏ hàng hiện đang trống.
Xem giỏ hàng

Đăng nhập

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterToday374
mod_vvisit_counterYesterday127
mod_vvisit_counterThis week1146
mod_vvisit_counterLast week1037
mod_vvisit_counterThis month5914
mod_vvisit_counterLast month4403
mod_vvisit_counterAll days297226

Học viện Ngoại giao

Địa chỉ: 69 Chùa Láng – Đống Đa – Hà Nội
Điện thoại: 0438344540, máy lẻ 7106
Email: tapchi_ncqt@mofa.gov.vn, Web: www.isr.vn
©Copyright 2011-2024 Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế | Xây dựng trên nền tảng Hệ quản trị mã nguồn mở Joomla